Từ một nông dân nghèo, ông Hai hiện là chủ Cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Thơm, với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Ứng dụng công nghệ nâng cấp nghề truyền thống
Trước khi tìm gặp ông Nguyễn Hai, tôi đã có ấn tượng với sản phẩm bánh tráng Hòa Đa mang nhãn hiệu Hai Thơm.
Trước hết bởi xếp bánh có bao bì in đầy đủ thông tin xuất xứ, hạn dùng, điện thoại cơ sở sản xuất… của một sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Điều này càng tôn thêm hương vị đặc biệt của từng chiếc bánh nướng phẳng đều, thơm mùi gạo đặc sản Hòa Đa.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ Biện Ngọc Min, nhiều người cũng có ấn tượng như vậy. Bởi tiếng thơm bánh tráng vùng Hòa Đa đã được biết đến từ lâu trong cộng đồng người tiêu dùng.
Thế nhưng chuyện làm bao bì, nhãn hiệu vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều hộ sản xuất. Trong số trên 100 hộ làm bánh tráng tại Hòa Đa lúc này, chỉ duy nhất sản phẩm của cơ sở Hai Thơm đạt chuẩn OCOP.
Mới hơn 7 giờ sáng, cơ sở Hai Thơm đã mịt mù hương thơm từ dây chuyền bánh nóng đang tới tấp ra lò. Ông chủ tóc trắng, người đậm chắc, vồn vã đón “mấy chú nhà báo”.
Cơ sở Hai Thơm làm bánh tráng khác hẳn nhiều nơi trong vùng. Tức là không có cảnh: Bà vợ vợ nhễ nhại mồ hôi bên lò lửa, múc từng gáo bột đổ xoay lên chiếc màn nóng của nồi nước sôi sùng sục; ông chồng vừa đôn đáo đẩy củi vào lò, vừa xếp bánh lên vỉ đem phơi…
Tại Hai Thơm, các công đoạn nặng nhọc nhất như vào bột, tráng bánh, xếp lên vỉ… đều do các loại máy trong dây chuyền làm ra một cách nhịp nhàng, chính xác. Đến khâu nướng bánh tráng cũng được thao tác bằng máy.
Ông Hai bộc bạch: “Vợ chồng tôi kế thừa nghề tráng bánh từ cha mẹ để lại. Các loại bánh tráng đều làm thủ công hết sức nặng nhọc, mà lượng bánh lại không kịp đáp ứng thị trường tiêu thụ. Vậy là tôi mơ ước, rồi mày mò ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cấp khâu sản xuất bánh tráng”.
Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, gia đình ông Hai đã tiếp cận, chuyển đổi từ làm thủ công sang mô hình sản xuất dây chuyền và là mô hình bánh tráng bằng máy đầu tiên trong vùng An Mỹ.
“Ban đầu, việc mua sắm máy móc và ứng dụng công nghệ vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Bởi chưa nắm bắt được kỹ thuật nên quá trình tráng bánh lúc dày, lúc mỏng, hư hỏng liên tục. Tôi đã vật vã tìm hiểu, cải tiến. Rồi các công đoạn cũng ăn nhịp, từng chiếc bánh tráng trở nên đều đẹp, tăm tắp”, ông Hai nhớ lại.
Vươn xa chiếc bánh tráng Hai Thơm
Ngoài đầu tư máy tráng bánh, từ năm 2018, vợ chồng ông Nguyễn Hai quyết định mua thêm 2 máy nướng bánh. Tùy vào đơn đặt hàng, cơ sở Hai Thơm nướng từ 2.000 – 3.000 cái bánh tráng/ngày để cung cấp ra thị trường, đa dạng thêm sản phẩm, lợi nhuận .
Năm 2022, sản phẩm của Cơ sở bánh tráng Hai Thơm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Theo ông Nguyễn Hai, điều này đã tiếp thêm sức mạnh thực sự để sản phẩm của Hai Thơm thêm hoàn thiện, tiếp cận nhanh hơn đến người tiêu dùng.
Từ những khó khăn ban đầu, hiện tại cơ sở sản xuất ngày càng lớn mạnh, với sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với công suất ra lò 5.000 cái bánh tráng, hiện tại mỗi ngày cơ sở Hai Thơm đều đặn tiêu thụ hết 350 kg gạo, tạo việc làm thường xuyên từ 10 – 15 lao động tại địa phương. Thu nhập mỗi nhân công đều đạt mức 5 triệu đồng/người; dịp Tết, ngày công được chi trả gấp đôi.
Theo ông Biện Ngọc Min – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, bánh tráng Hai Thơm hiện là một trong những mặt hàng đặc sản của đất Phú Yên có mặt tại nhiều tỉnh, thành và theo chân Việt kiều đến nhiều nước trên thế giới. Thế mới biết, miếng ngon thì không sợ thiếu tấm lòng đồng điệu. Chiếc bánh tráng đơn sơ của một vùng quê đã lên máy bay cùng với bao của ngon vật lạ, từ mâm cơm nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng.
Chiếc bánh tráng thơm mùi gạo và nắng của khí chất đồng quê, có thể ăn với vài trăm món. Riêng tại nhiều địa phương, có khoảng vài chục món mà không có miếng bánh tráng kèm thì kể như… chưa đúng phép!
Ông Nguyễn Hai nhìn nhận, từ ngày chuyển đổi sản xuất bằng máy móc, lợi nhuận của Cơ sở Hai Thơm tăng lên đáng kể, với mức thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng/năm. “Gia đình tôi giờ đã có cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đầu tư mở rộng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, để tăng sản lượng, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động tại địa phương”, ông Hai nói.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ Biện Ngọc Min cho biết, gia đình ông Nguyễn Hai đã và đang có nhiều đóng góp hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Năm 2019, ông Nguyễn Hai đã được UBND Tỉnh Phú Yên tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2018.
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hai (59 tuổi, ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vươn lên làm giàu từ nghề sản xuất bánh tráng-đặc sản Phú Yên. Clip: Bửu Nguyễn
Nguồn: Dân Việt (link)