Khó khăn trong xác nhận đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo về việc tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý phát triển nhà ở xã hội, triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Báo cáo nêu một số thành quả trong phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà cho công nhân: 51 dự án được triển khai, đáp ứng 3,9 triệu m2 sàn với hơn 46.500 căn hộ cho khoảng 180.000 người…
Ngoài ra, qua công tác rà soát, quy hoạch đã xác định khoảng 95ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được giao theo đề án 338 ngày 3/4/2023 giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh này, việc quản lý phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, đầu tư, vay vốn hỗ trợ…
Đáng chú ý, về khó khăn trong việc xác nhận đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Luật Nhà ở quy định đối tượng phải “thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.
Tuy nhiên hiện nay cơ quan thuế không xác minh nội dung nộp thuế thu nhập thường xuyên mà chỉ xác minh đối tượng có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không trong năm trước liền kề năm xác minh
“Ví dụ, năm 2022, cần xác minh đối tượng có phải nộp thuế thu nhập thường xuyên hay không, thì cơ quan thuế chỉ xác minh được việc đối tượng có nộp thuế thu nhập cá nhân trong năm 2021 hay không”, báo cáo UBND tỉnh nêu.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh này, hiện nay, lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở lớn, tuy nhiên rất nhiều công nhân không đáp ứng được tiêu chí về đối tượng để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội đặc biệt là tiêu chí về thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều công nhân phải nộp thuế thu nhập (thực chất thu nhập cao hơn bình thường do làm tăng ca, làm thêm giờ…) nhưng phần lớn thu nhập sau khi nộp thuế đều được gửi về gia đình. Họ chỉ giữ lại một phần nhỏ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng vẫn không đủ điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức rất ít. Cá biệt, có trường hợp phải nộp 8.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân do không quyết toán đúng quy định nhưng vẫn không được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, điều kiện sống rất khó khăn.
Từ bất cập này, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị có hướng dẫn về nội dung xác minh đối tượng liên quan đến thuế thu nhập cá nhân thường xuyên. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện chính sách để phù hợp với tình hình thực tế.
Đề xuất địa phương ban hành giá trần bán nhà ở xã hội
Ngoài ra, khó khăn còn xuất hiện trong việc xác định giá bán nhà ở xã hội, UBND tỉnh cho rằng, đối với các dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 4.000 người, chi phí đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất lớn. Chi phí này được phân bổ vào giá bán/giá cho thuê/cho thuê mua, dẫn đến giá thành cao, không phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.
Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sau đầu tư được bàn giao cho cư dân, do ban quản trị thực hiện không đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đồng thời, về thẩm định giá bán nhà ở xã hội, UBND tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, việc thẩm định giá bán/cho thuê/cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện 1 lần và không có quy định về việc thẩm định điều chỉnh/bổ sung.
Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, phần lớn các dự án nhà ở xã hội đều thực hiện thẩm định giá tại giai đoạn thi công xong phần móng để được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 63 Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, giá vật liệu xây dựng nói riêng và chỉ số giá xây dựng nói chung tăng nhanh, chi phí dự phòng được xác định ở thời điểm thẩm định giá không đủ cho yếu tố trượt giá, dẫn đến chi phí xây dựng công trình tăng, nếu không được thẩm định điều chỉnh giá sẽ gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư.
UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh quy định về thẩm định giá bán/cho thuê/cho thuê mua nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Có thể quy định theo hướng:
Phương án 1 là giao cho các địa phương ban hành giá trần bán/cho thuê/cho thuê mua theo từng khu vực, phù hợp với từng thời kỳ. Chủ đầu tư tự xác định giá, căn cứ giá trần để ký hợp đồng với người mua nhà trên cơ sở không cao hơn giá trần được quy định.
Phương án 2 là chủ đầu tư tạm tính giá bán nhà để ký hợp đồng với người mua nhà. Sau khi dự án được quyết toán, chủ đầu tư có trách nhiệm tính toán lại giá bán chính thức và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định giá. Trong trường hợp giá thẩm định cao hơn giá tạm tính chủ đầu tư không được thu thêm, trường hợp thấp hơn giá tạm tính thì chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch với giá thẩm định.
Nguồn: Dân Trí (link)
Xem thêm tin mới tại:
– Tri thức đời sống
– Kiến thức gia đình