Làm ra la liệt đếm không xuể các đặc sản OCOP, một giám đốc Cà Mau là Nông dân Việt Nam xuất sắc

"Ông vua" của các sản phẩm OCOP ở Cà Mau là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 - Ảnh 1.

Ở xứ này, Ba Chương được mệnh danh là “vua” của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; vinh dự hơn khi ông được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi năm 2023.

Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023-Bùi Văn Chương, 58 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với mô hình phát triển HTX sản xuất các sản phẩm OCOP.

Ba Chương – Từ người cuốc đất thuê…

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, thuở nhỏ, Ba Chương ngày ngày cùng chúng bạn cắp sách đến trường, khi về lại lao vào công việc phụ giúp ba mẹ làm lụng đủ mọi nghề tìm kế sinh nhai.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Chương, 58 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với những mặc hàng đạt chứng nhận OCOP do chính ông suy nghĩ làm ra. Ảnh: An An

“Học hết lớp 12 thì không còn điều kiện để học tiếp đại học, tôi nằm đêm suy nghĩ bằng mọi giá phải làm giàu để con cháu mình sau này không phải chịu cảnh thiếu thốn như cha ông nó” – Ba Chương cười nói với khách trước khi kể về hành trình đầy mồ hôi và nước mắt của mình.

Đầu năm 1986, Ba Chương thưa với ba mẹ cho mình được đến ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau làm thuê. Tại vùng đất này, anh thanh niên Ba Chương đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với vô số công việc từ nhổ cỏ, cuốc đất, nhổ khoai lang thuê… cho người dân trong và ngoài xã Tân Lập.

“Hồi đó còn sức thanh niên tui ham mần dữ lắm, có khi cùng bạn nghề cuốc đất cả ngày lẫn đêm. Khi những giọt mồ hôi của mình rơi xuống trên những luống rẫy của chủ vườn, tui nhủ với lòng, nếu cố gắng làm thì một ngày nào đó, biết đâu được, tui cũng trở thành chủ của những luống rẫy như thế”, Ba Chương hồi tưởng.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 3.

Với những thành tích đạt được, ông vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Trung ương và địa phương. Ảnh: An An

Với công việc làm thuê, nhiều năm sau, Ba Chương đã tích lũy được 3 chỉ vàng (tương đương 18 nghìn đồng thời điểm đó). Đúng lúc này, một chủ vườn ở ấp Tân Lập kêu bán cho ông 2,4ha đất trồng rẫy. Không do dự, Ba Chương đã quyết định đầu tư hết số tiền mình có để mua lại đất, nhằm thực hiện ước mơ làm chủ chủ trên chính mảnh đất của mình.

Cuối năm 1988, Ba Chương gặp được vợ là bà Trương Ngọc Bích. Bà Bích cũng là con gái trong một gia đình nghèo, quê ở xứ Rau Dừa, huyện Cái Nước theo gia đình đến vùng này lập nghiệp. 

“Năm đó, tui 28 tuổi – đã là chủ của một ruộng rẫy với nhiều loại hoa màu. Thấy bà ấy, tui ưng cái bụng, rồi chúng tôi tìm hiểu nhau. Thời gian sau, tui hỏi bả có chịu làm vợ tui hông để tui về thưa với ba mẹ, và bà ấy gật đầu thế là chúng tui về chung một nhà” – Ba Chương nói với tiếng cười hiền.

Sau ngày lập gia đình, hai vợ chồng Ba Chương ra sức làm lụng để có thêm thu nhập trên mảnh vườn 2,4ha đất của mình, cộng thêm nguồn thu từ nghề mua bán nhỏ. Đến năm 1993, hai vợ chồng vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng và cũng là duy nhất ra đời. Ông bảo, khi có con rồi, ông không cho bản thân mình ngơi nghỉ, mà phải làm và làm nhiều hơn.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 4.

Ba Chương luôn trực tiếp kiểm tra hệ thống dây chuyền sản xuất. Ảnh: An An

Nhận thấy thế mạnh của vùng đất Tân Ân Tây, ngoài hoa màu ra thì các mặt hàng thủy hải sản cũng có thể mang về nguồn thu nhập tốt. Năm 1994, Ba Chương bàn với vợ gom hết vốn liếng đầu tư vào vựa thu mua cua tôm của người dân trong và ngoài vùng.

“Thời đó đi đứng khó khăn lắm, tui kêu bả ở nhà chăm con, còn tui sau khi gom đủ hàng thì thuê vỏ máy tốc hành chạy lên bán lại cho các vựa lớn ở thị xã Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu – PV) đem về nguồn thu khá ổn định cho gia đình”, Ba Chương nói và cho biết, cái nghề thu mua cua tôm này, quân bình mỗi năm đem về cho gia đình ông 10 cây vàng.

Ba năm sau ngày thành lập vựa thu mua cua tôm, đến năm 1997, Ba Chương đã mua thêm được 6,5ha đất, cộng với 2,4ha đất ban đầu, vợ chồng ông bắt đầu trở lại với nghề nông. Nói về lý do khiến mình bỏ nghề thua mua cua tôm, Ba Chương cười nói rằng, là nông dân thì không có gì vui hơn khi có được ruộng đất. Với lại cái máu nông dân nó đã thấm sâu trong con người ông rồi. 

“Gần 10ha đất trồng bí đỏ, mỗi năm tui thu về hơn 100 tấn bí, sau khi trừ đi hết chi phí đầu tư, vợ chồng tui còn lãi trên dưới 100 triệu đồng”, Ba Chương nói.

… đến ông Ba Chương – Chủ Hợp tác xã nổi tiếng

Sau nhiều năm làm rẫy, đất đai bạc màu không còn cho nguồn thu đều đặn như thời gian đầu, vợ chồng Ba Chương quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp theo mô hình nuôi hầm đất. Để có được gần một tỷ đồng trong nghề này, Ba Chương lặn lội khắp nơi học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công đi trước.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 5.

Nguyên liệu tôm đầu vào để làm sản phẩm tôm khô Cà Mau được Ba Chương chọn lựa theo tiêu chuẩn riêng. Ảnh: An An

“Khi có được tiền, tui mời gọi thêm 5 người khác cùng góp vốn thành lập tổ hợp tác chuyên thu mua và chế biến tôm khô, vì tui biết vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi thì không lo gì chuyện thiếu nguyên liệu để sản xuất”, ông Chương nói.

Mô hình tổ hợp tác do Ba Chương thành lập cũng có lúc “lên bờ xuống ruộng” vì chưa ai trong số các thành viên có kinh nghiệm với nghề chế biến tôm khô. Không để “đứa con” mình sinh ra chết yểu, một lần nữa, Ba Chương suy ngẫm, nghĩ ra cách làm có hiệu quả.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 6.

Ông Chương trực tiếp kiểm tra từng công đoạn sản phẩm tôm khô Cà Mau sau khi chế biến. Ảnh; An An

Ba Chương nói rằng, cái nghề chế biến tôm khô là bí quyết riêng của từng hộ sản xuất, nên không ai chỉ ông cách làm. “Một hôm tui đem 3kg tôm tươi đi luộc nhưng quên đổ nước, lúc sau mới nhớ chạy vô coi, tính đâu đã hư hết, ai dè cái quên này nó đã cho tui kết quả tốt”, ông nói và cho biết, với cách luộc tôm không nước, không chỉ cho ra tôm khô ngon mà còn giảm bớt đáng kể số tôm bị xát vỏ vào thịt tôm.

Ba Chương dẫn chứng, nếu luộc tôm bằng nước, 7 tấn tôm tươi cho ra 1 tấn tôm khô, nhưng có đến trên 100kg tôm bị xát vỏ (số tôm bị xát vỏ bán không được giá cao – PV). Còn với cách luộc mới mà ông phát hiện là không cần nước, số tôm xát vỏ chưa tới 10kg.

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 7.

Tất cả công nhân tham gia chế biến sản phẩm tôm khô Cà Mau đều phải tuân thủ theo quy trình bắt buột để cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Ảnh: An An

Trên đà thành công, Ba Chương quyết định thành lập Hợp tác xã Tân Phát Lợi vào ngày 1/1/2012, với 9 thành viên, vốn điều lệ 2 tỷ đồng (hiện tại có 11 thành viên, vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng), chuyên kinh doanh “Dịch vụ thương mại chế biến cá khô, tôm khô, tôm kho các loại, và các mặt hàng thủy sản tươi sống”.

Có được thành công bước đầu, cộng với vốn kinh nghiệm của mình, Ba Chương đã nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mới như chà bông tôm. Sản phẩm này được chế biến từ số tôm bị sát vỏ trong quá trình làm tôm khô đã giúp Ba Chương tăng thêm giá trị của sản phẩm.

Năm 2015, khi thấy lượng lớn đầu, vỏ tôm bị thải ra trong quá trình sản xuất, thay vì chỉ bán 8.000 đồng/kg cho người dân ủ phân trồng rẫy. Ông lại tiếp tục nghiên cứu ra sản phẩm muối tôm, bán với giá 100.000 đồng/kg.

Với cách làm không ngừng nghỉ này, tính đến nay, Hợp tác xã Tân Phát Lợi của Ba Chương đã có đến hơn 15 sản phẩm. Trong đó, có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, và 10 sản phẩm nông thôn tiêu biểu đạt cấp tỉnh và cấp khu vực; đặc biệt có 3 sản phẩm đạt cấp quốc gia như: Tôm khô tách vỏ; tôm khô nguyên vỏ; chà bông tôm; bột tôm nêm canh; bánh phồng tôm sú; bánh phồng hàu…

Ba Chương: Người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nông dân sản xuất giỏi - Ảnh 8.

Sản phẩm của Ba Chương luôn có mặt ở các hội chợ lớn. Ảnh: An An

Để sản phẩm làm ra đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng ngày càng tốt, Ba Chương đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng – áp dụng thiết bị máy móc công nghệ cho dây chuyền sản xuất; kho đông, nhà phơi năng lượng mặt trời, máy cán, máy đập, máy lau bóng, máy luộc, tất cả đều được cài đặt ứng dụng công nghệ quản lý phần mềm theo quy trình sản xuất.

Không chỉ là người biết làm giàu cho bản thân, với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Tân Lập, khi có được điều kiện tốt, Ba Chương phát động các thành viên trong Hợp tác xã tích cực thực hiện đóng góp cho địa phương về xây dựng nông thôn mới; đóng góp các quỹ xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân, đền ơn đáp nghĩa, giúp hộ nghèo và cận nghèo người lao động khó khăn được thoát nghèo… Đồng thời, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên, với mức lương bình quân 4,5 đến 9 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Hợp tác xã Tân Phát Lợi của ông Chương còn chủ động thu mua và sản xuất chế biến từ một chuỗi liên kết. Nguồn nguyên liệu được thu mua từ 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, với khoảng 500 hộ nuôi trồng thủy sản sinh thái, chuyên cung cấp nguyên liệu cho cơ sở từ tôm, cua, cá…

Tính đến thời điểm hiện tại, ông có đến 14 đại lý phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Ngoài ra, còn hợp đồng mua bán với các siêu thị như: Sài Gòn Coop Mart, Organica, 0rganic,…

“Hàng năm, Hợp tác xã Tân Phát Lợi cung cấp hàng hóa cho thị trường khoảng 180 tấn các loại. Điều thành công của cơ sở là các hợp đồng, hợp tác mua vào và bán ra đều được thanh toán bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản, cuối năm không có công nợ” – Ba Chương nói và cho biết, các thành viên được chia lãi hằng năm hơn 200 triệu đồng/người.

Với những thành tích đạt được, Ba Chương liên tiếp nhận được nhiều bằng khen của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; giấy khen của Liên Minh Hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về việc có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019… Ông vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam”

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam”

– Tác phẩm dự thi phải viết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam”, ưu tiên cho chủ đề về “Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số”, là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

– Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

– Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

– Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

– Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

– Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

– Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025



Nguồn: Dân Việt (link)