Là một trong 5 tập thể tiêu biểu được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Thuận vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Nông dân giai đoạn 2018-2023, chi hội nuôi heo đen Thuận Bắc theo chuỗi giá trị tại xã Lợi Hải không chỉ giúp các hội viên nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, mà còn góp phần hiệu quả vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Anh, Chi hội trưởng cho biết: Chi hội nuôi heo đen thành lập từ năm 2015 có trụ sở tại thôn Suối Đá, chủ yếu tập trung các hộ có cùng ngành nghề với nhau.
Khi mới thành lập, nhiều hộ còn khó khăn vì không tìm được phương thức sản xuất hiệu quả, có hộ muốn chuyển đổi đối tượng nuôi nhưng lại thiếu vốn. Cho nên, khi tham gia vào chi hội nuôi heo đen, các hội viên được tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi, thay đổi tư duy sản xuất và được hỗ trợ vốn để đầu tư con giống.
Từ đó nhiều hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, một số hộ tích lũy khoản dư từ nuôi heo đen và trở nên khấm khá hơn. Đến nay, chi hội có 19 hộ tham gia, tăng 2 hộ so với thời điểm ban đầu.
Ông Anh chia sẻ thêm, trước đây gia đình ông cũng là hộ gặp khó khăn, sinh kế chủ yếu dựa vào trồng lúa nhưng không hiệu quả. Năm 2016, ông tham gia chi hội nuôi heo đen của xã Lợi Hải và được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư 10 con heo giống.
Mỗi năm heo đen sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con, sau hơn một năm số heo trong trại nuôi của gia đình ông đã tăng lên nhanh chóng, có thời điểm gia đình ông nuôi đến 150 con heo đen, trong đó có 10 con heo nái.
Với giá bán heo giống thời điểm 2017-2020 từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/con và 120.000-150.000 đồng/kg thịt hơi, sau mỗi lần xuất bán, gia đình ông thu về khoảng 30-40 triệu đồng.
Tùy vào trọng lượng và mức độ sinh sản của đàn mà mỗi năm ông thu lợi từ 80-100 triệu đồng, cao hơn so với trồng hoa màu trước đó. Sau nhiều năm tích lũy, ông đã xây được căn nhà khang trang.
Đàn heo đen của gia đình ông Nguyễn Văn Anh, ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).
Còn anh Đỗ Ngọc Anh ở thôn Suối Đá vui mừng cho biết: Đây là năm thứ 6 gia đình tôi nuôi heo đen. Thông qua chi hội nuôi heo đen và Hội Nông dân xã hỗ trợ, gia đình có vốn đầu tư nuôi heo đen, được tập huấn kỹ thuật mới và phòng ngừa bệnh trong quá trình chăn nuôi.
Từ ngày nuôi heo đen, gia đình có thêm nguồn kinh tế ổn định, trung bình mỗi năm thu nhập từ 50-60 triệu đồng, qua đó có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Xã Lợi Hải là địa phương có đông đồng bào Raglai sinh sống, do đó với mô hình nuôi heo đen của chi hội nuôi heo đen Thuận Bắc đã hướng người dân chăn nuôi theo mô hình tập trung, xây dựng chuồng trại, đầu tư nhân rộng đàn theo hướng thương phẩm, đang được xem là giải pháp hữu hiệu giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch HND xã Lợi Hải: Toàn xã hiện có gần 1.000 hội viên nông dân thì có hơn 70% chọn heo đen làm vật nuôi để phát triển kinh tế.
Nhìn chung, các hộ nuôi đã chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi thả trong phạm vi vườn có rào chắn để hạn chế dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Heo đen giờ đây là vật nuôi chủ lực mang lại nguồn thu nhập khá để nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn hơn 2%, hộ cận nghèo còn 7%,…
Nhiều hộ nuôi cho biết, thời điểm hiện nay, dù giá heo đen không còn cao như trước, nhưng thương hiệu heo đen Thuận Bắc đã được nhiều nơi biết đến, nên giá heo hơi có xuống thấp thì người nuôi vẫn có thể duy trì đàn.
Bởi đặc tính của heo đen phần lớn ăn cỏ cây, rau củ, phế phẩm nông nghiệp nên sẽ tiết giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, heo đen có sức đề kháng khá tốt, trong quá trình nuôi sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, cùng với khả năng sinh sản nhanh nên người nuôi cũng dễ tái đàn và đỡ công chăm sóc so với các loại heo khác.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các chi hội nghề nghiệp trên địa bàn xã, trong thời gian tới, HND xã Lợi Hải sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong người dân gắn với phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, chú trọng xây dựng liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định để nông dân nâng cao thu nhập.
Nguồn: Dân Việt (link)