Nuôi ngựa hàng hóa – hướng đi mới giúp nông dân làm giàu
Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai, cùng với mô hình nuôi lợn đen bản địa thì con ngựa được lựa chọn là vật nuôi sẽ mở ra hướng đi mới giúp người chăn nuôi huyện Bát Xát xóa nghèo, tăng thu nhập.
Với mục tiêu mở rộng quy mô phát triển dự án chăn nuôi ngựa hàng hoá, đưa tổng đàn ngựa trên địa bàn huyện lên trên 3.500 con, huyện Bát Xát đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện cho bà con vay vốn phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường. Bước đầu đã tạo được vùng sản xuất hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi.
Xã Mường Hum được bổ sung vào danh mục các xã nằm trong Đề án “Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025” (Đề án 01) là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội quan trọng được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát quan tâm triển khai.
Để cụ thể hóa đề án này, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi mô hình trang trại theo hướng hàng hóa.
Ông Lò A Chỉ, thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, huyện Bát Xát là người địa phương đã gắn bó hơn 30 năm với nghề nuôi ngựa. Qua thời gian, ông rút ra kinh nghiệm và lựa chọn nuôi ngựa giống để cung cấp cho người chăn nuôi. Ông cho biết thức ăn chủ yếu của ngựa là thóc, ngô hạt và cỏ voi.
Cùng với việc cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống thì việc tiêm phòng đúng thời điểm là rất quan trọng để đảm bảo cho ngựa khỏe mạnh. Hiện tại, đàn ngựa nhà ông Chỉ duy trì từ 10 – 15 con.
Ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, khi chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ngựa của ông Chỉ, từ sáng sớm anh Thào A Mua ở thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ đã có mặt tại nhà ông Chỉ để lựa chọn mua ngựa giống về nuôi.
Anh Thào A Mua, thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát chia sẻ: Ông Chỉ là người giữ chữ tín, cho tôi lựa chọn thoải mái, vừa ý con nào sẽ bán con đấy mà giá thì vừa phải không quá đắt đỏ. Ở nhà, gia đình tôi đã có 3 con ngựa cái rồi, hôm nay mua con ngựa đực về làm giống với mong muốn đàn ngựa của gia đình tôi sẽ cho sinh sản phát triển tốt. Ngoài trồng ngô, trồng lúa ra thì mình xác định nuôi ngựa để phát triển kinh tế.
Bên cạnh những người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm như ông Lò A Chỉ thì những người trẻ như anh Phạm Mạnh Đạt ở thôn Piềng Láo, xã Mường Hum đã mạnh dạn vay vốn được 700 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Anh Đạt đầu tư xây chuồng trại kiên cố trên 500m2, trồng hơn 4 ha cỏ sả lá lớn, cỏ voi, trồng sắn để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ngựa.
Anh Phạm Mạnh Đạt, thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, huyện Bát Xát bảo: Ngựa dễ chăm sóc, bán lại được giá cao hơn trâu và bò, đối với thị trường huyện Bát Xát và một số địa phương khác trong tỉnh thì khách hàng rất ưa chuộng. Do vậy, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi để bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường.
Hiện trang trại của gia đình tôi đang duy trì từ 25-30 con, trong đó có 15 ngựa sinh sản, mỗi năm từ bán ngựa giống trên 1 năm tuổi và ngựa trưởng thành mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình nuôi ngựa ở vùng cao Lào Cai
Không chỉ ở các xã vùng cao như Sàng Ma Sáo, Mường Hum, Trung Lèng Hồ, giờ đây tại xã Bản Vược, một trong những xã thuộc vùng thuận lợi, chăn nuôi ngựa cũng đang phát triển mạnh. Mô hình nuôi ngựa của anh Trần Văn Quang tại thôn Sơn Hà, xã Bản Vược là một ví dụ điển hình.
Tận dụng diện tích đất đồi để trồng cỏ voi, học tập kinh nghiệm từ những người chăn nuôi trước, tham gia các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, với số vốn vay từ ngân hàng là 380 triệu đồng, cộng với tiền tích cóp của gia đình, anh Quang đã xây dựng chuồng nuôi ngựa, kết hợp với trồng rừng theo hướng hữu cơ. Năm 2021, anh Quang bắt đầu khởi nghiệp với 3 con ngựa giống, sau 3 năm đàn ngựa của anh Quang đã tăng lên gần 30 con bao gồm cả ngựa giống và ngựa thịt.
Hiện chăn nuôi ngựa hàng hóa của huyện Bát Xát đã được triển khai tại 12 xã bao gồm: Sàng Ma Sáo, A Lù, Cốc Mỳ, Dền Sáng, Mường Vi, Phìn Ngan, Pa Cheo, Dền Thàng, Mường Hum, Bản Vược, Bản Qua và Trịnh Tường, với tổng đàn là gần 2.500 con.
Bên cạnh những thuận lợi về giống, điều kiện đất đai, khí hậu thì người chăn nuôi ở huyện Bát Xát cũng đang gặp một số khó khăn như: thiếu vốn đầu tư do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ nên không tránh khỏi việc bị phân tán nguồn lực…
Thời gian tới, huyện Bát Xát sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho phát triển chăn nuôi ngựa với việc tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình; tổ chức các lớp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
Đồng thời, gắn phát triển chăn nuôi ngựa với bảo vệ môi trường theo hướng an toàn sinh học, tìm đầu ra ổn định cho mặt hàng này để bảo đảm thu nhập cho người nông dân, từng bước giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen