Sau nhiều lần thay đổi vật nuôi mà kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, ông Đặng Tiến Đạt, thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái), nhận thấy rắn hổ mang, rắn ráo cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã “đánh liều” nuôi thử.
Chịu khó cập nhật kiến thức, kinh nghiệm từ sách, báo và đến các mô hình đã nuôi rắn thành công để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên mô hình nuôi rắn của ông Đạt đã thành công từ vụ đầu tiên.
Mày mò tìm hiểu về tập tính, đặc điểm sinh trưởng và phát triển của loài động vật hoang dã này và khí hậu của địa phương phù hợp, đầu ra lại thuận lợi nên năm 2020, ông Đạt quyết định đầu tư 600 triệu đồng để làm 2.000 ô nuôi rắn và đã được cấp phép kinh doanh về loài vật này.
Hiểu rõ đây là vật nuôi khá nguy hiểm, nên các khu nuôi được ông xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận.
Đối với từng loại rắn, ông thiết kế chuồng theo các kiểu khác nhau cho phù hợp. Mỗi ô đều được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ, có cài khóa chắc chắn, đảm bảo không để rắn thoát ra môi trường bên ngoài.
Mô hình nuôi cầy hương của HTX Thắng Lợi 12, thôn Đất Đen, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Đạt: “Việc chăm sóc rắn hổ mang không hề phức tạp. Cả hai loại rắn này đều là loại dễ nuôi, ăn khoẻ và đề kháng với dịch bệnh rất tốt. Thức ăn của chúng dễ kiếm như ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng… Khi rắn đạt trọng lượng từ 1,8 kg đến 3 kg sẽ được xuất bán với giá từ 400 – 450 nghìn đồng/kg”.
Song song với nuôi rắn, ông Đạt còn nuôi hơn 300 cặp ba ba trên diện tích 2.500 m2. Một năm, ông xuất bán trên 4.000 con ba ba giống và trên 300 kg ba ba thương phẩm. Tổng thu nhập từ nuôi rắn hổ mang và ba ba của gia đình khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Với hướng đi lựa chọn những loài vật nuôi đặc sản để phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Đạt đã trở thành mô hình kinh tế nổi bật của xã Thịnh Hưng, đồng thời, là địa chỉ tham quan quen thuộc của rất nhiều người dân trong tỉnh.
Là doanh nghiệp thành công trong nuôi cầy hương và dúi ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi 12, thôn Đất Đen đang dành diện tích đất rộng hơn 3.000 m2 để xây dựng chuồng trại cũng như để trồng cỏ, trồng mía và chuối làm thức ăn cho loài thú đặc sản này.
Hiện tại, HTX Thắng Lợi 12 đang nuôi 500 cặp cầy hương và hơn 1.000 cặp dúi sinh sản. Con giống được HTX chọn mua từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắc Lắc.
Dẫn chúng tôi đi xem mô hình với chuồng trại được đầu tư chuyên nghiệp và sạch sẽ, anh Trịnh Văn Duệ – cán bộ kỹ thuật của HTX Thắng Lợi 12 cho biết: “Cầy hương và dúi là những loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Mỗi ngày tôi cho ăn 2 bữa, chủ yếu là rau, củ, tre, bí, chuối, ngô, mía và phải thay nước uống thường xuyên. Tuy dễ nuôi nhưng nguồn thức ăn cho hai loài này phải sạch, khô ráo để tránh bị đau bụng, tiêu chảy”.
Một năm cầy hương sinh sản 2 lứa và mỗi cặp con giống có giá khoảng 10 triệu đồng tùy theo kích thước và trọng lượng. Cầy hương thương phẩm có giá từ 1,4 -1,5 triệu đồng/kg.
Còn với vúi, giá thương phẩm hiện nay từ 550 nghìn đến 650 nghìn đồng/kg, giá dúi giống dao động từ 1,4 triệu đồng – 2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm, HTX thu về hàng tỷ đồng từ việc bán con giống và thương phẩm.
Hiện nay, HTX mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô thông qua việc vận động bà con trong xã cùng chăn nuôi cầy hương và dúi theo quy mô nông hộ và cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Anh Nguyễn Thành Phước – Chủ tịch HTX Thắng Lợi, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết: “Nếu bà con có nhu cầu nuôi thì HTX sẽ hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, ký kết hợp đồng về bao tiêu và có chính sách đổi trả con giống nếu như con giống bị lỗi”.
Có thể thấy, việc chú trọng phát triển chăn nuôi vật nuôi đặc sản đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực vận động người dân triển khai thực hiện.
Việc nuôi trồng các cây, con đặc sản là điều kiện thuận lợi góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn: Dân Việt (link)