Clip: Người dân vùng đất U Minh tỉnh Cà Mau thu hoạch bồn bồn cho thu nhập tốt hơn. Cây bồn bồn từ chổ là cỏ dại, rau dại mọc hoang, nay trở thành rau đặc sản…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, anh Lê Út Nhỏ cho biết, bồn bồn thuộc loại cây cỏ, dân địa phương hay gọi là cỏ nến. Loại cây này thường thích hợp sinh trưởng tại vùng nước phèn trũng như vùng đất U Minh.
“Nguồn nước ở đây càng đỏ thì thân cây lại càng trắng, mềm, người ăn rất ưa chuộng bởi độ ngọt và thơm của nó”, anh Nhỏ nói và cho biết, nếu trồng bồn bồn trong mùa nắng mỗi ngày thu lãi được vài trăm nghìn đồng.
Chính quyền địa phương cho biết, đời sống của người dân vùng này gắn liền với việc trồng tràm, và trồng lúa nước. Tuy nhiên, do đặc trưng của vùng đất nên cây lúa không phát triển tốt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ năm 2018, bà con bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay cây lúa bằng bồn bồn cho nguồn thu nhập ổn định.
Nhà có 2 ha đất trồng lúa, chị Trần Thị Kiều ở xã Khánh An cũng chuyển sang trồng bồn bồn đem về nguồn thu trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng. “Đời sống kinh tế gia đình nhiều năm gần đây phát triển hơn xưa rất nhiều. Khi trồng bồn bồn, trong thời gian chờ thu hoạch trên ruộng nhà, tôi còn có thể kiếm thêm khoảng 200 nghìn đồng mỗi ngày từ việc đi nhổ bồn bồn thuê cho người dân trong và ngoài vùng”, chị Kiều nói.
Cũng là hộ thoát nghèo nhờ vào loài cây này, anh Phạm Văn Dư cho biết gia đình mình có 7ha đất rừng kết hợp với trồng lúa, nhưng hơn chục năm trước vẫn nghèo. Do cây tràm khi trồng thì đến khoảng 7 năm sau mới khai thác được, trong khi cây lúa không đem đến nguồn thu.
“Từ khi trồng bồn bồn, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhân công, phân bón…, tôi còn lãi trên 30 triệu đồng”, anh Dư nói trong phấn khởi.
Bà con nông dân xứ này cho biết, cây bồn bồn ở vùng đất U Minh Hạ có thể cho thu hoạch quanh năm. Mặc khác, do trồng bồn bồn phải giữ nguồn nước sâu để cho thân cây trắng mập, nên người dân tận dụng lợi thế này thả thêm cá đồng để tăng thêm thu nhập.
Bồn bồn sau khi bóc sạch vỏ hiện tại có giá từ 17.000 – 25.000/kg, đang trở thành loài rau đặc sản theo các nhà hàng, quán ăn vì có thể chế biến được nhiều món ngon và rất được được thực khách ưa chuộng.
Mô hình trồng bồn bồn đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân ở vùng U Minh Hạ và được xem như là “cây xoá nghèo” của địa phương này.
Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo
Nguồn: Dân Việt (link)