Chuyên gia: Có căn hộ ven tuyến metro tăng giá 150% trong 8 năm

Bất động sản nở rộ cùng hạ tầng

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là tiền đề phát triển nhà ở phía Đông ở TPHCM, cụ thể ở giá bán và tốc độ bán căn hộ. Thông tin được trao đổi tại hội thảo Bất động sản phía Nam – Đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng do Cafefland tổ chức sáng ngày 20/9.

Theo ông Kiệt, giá bán trung bình ở một số dự án quanh tuyến metro số 1 đã tăng 50-70%, cá biệt có dự án tăng 150% trong 8 năm (2015-2023). Nhiều dự án “ăn” theo tuyến đường này đã tăng giá rất nhanh, tương lai còn nhiều dự án khác đang được xây dựng.

Chuyên gia đánh giá cao tác động của hạ tầng tới sự phát triển của bất động sản. Một trong những yếu tố khiến bất động sản miền bắc phát triển nhanh trong thời gian gần đây là nhờ hệ thống kết nối giao thông. Khi các tuyến cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh xung quanh được quy hoạch, hoàn thiện, các dự án mở bán mới xa trung tâm nhưng giá rất cao nhưng được bán tốt.

Chuyên gia: Có căn hộ ven tuyến metro tăng giá 150% trong 8 năm - 1

Tàu metro chạy qua nút giao Cát Lái, TP Thủ Đức, một trong những nút giao lớn nhất TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Tại miền Nam, ông đánh giá khu vực TPHCM đang thiếu quỹ đất hoặc nếu còn thì chi phí xây dựng cao. Do đó, khi các tuyến đường vành đai, metro được mở rộng, xây dựng sẽ hỗ trợ phát triển các khu đô thị ly tâm, mở rộng ra Bình Dương, Long An hay một số huyện vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh…

Cùng quan điểm này, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam – cho rằng hạ tầng phía Nam ngày càng được đẩy mạnh, là tiền đề giúp các nền kinh tế địa phương tăng trưởng, tăng thu nhập người dân, đồng thời bất động sản sẽ được hưởng lợi.

Tiềm năng đòi hỏi tiềm lực doanh nghiệp

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Trí Hiếu –  chuyên gia kinh tế – nói chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm cho thị trường bất động sản. Từ nay tới cuối năm, thị trường vẫn gặp ách tắc về vốn và vẫn trầm lắng nhưng sẽ “ấm dần” hơn vào năm 2024, khi vấn đề khai thông nguồn vốn được xử lý.

Ông Hiếu đánh giá cơ hội của thị trường bất động sản phía nam đến từ các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, các đường vành đai . Các nhà kinh doanh bất động sản phía nam cũng vô cùng nhạy bén với thị trường, nhu cầu người dân cũng lớn…

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt chỉ ra một số thách thức của thị trường hiện nay.

Thứ nhất là sự sụt giảm về nguồn cung. Thứ 2 là sự mất cân đối về cung cầu; thời gian qua thị trường tăng giá liên tục, các sản phẩm tầm trung và bình dân gần như không còn nhưng nhu cầu phần lớn lại tập trung ở nguồn phân khúc này.

Thứ 3 là áp lực tăng lãi suất, có giai đoạn lãi suất hơn 15% ảnh hưởng đến tâm lý của người mua. Yếu tố thứ 4 là các vướng mắc pháp lý, khiến 70% các dự án không thể triển khai được trong khoảng 3 năm gần đây khiến vòng đời triển khai của một dự án kéo dài, đẩy chi phí đầu tư tăng dẫn đến giá bán tăng.

Mặc dù vậy, ông Kiệt ghi nhận thị trường có một số chuyển động mới như Chính phủ tập trung nguồn lực tháo gỡ vướng mắc, lãi suất có xu hướng điều chỉnh. Nhiều dự án được cấp phép xây dựng và cho phép bán hàng, hoạt động xây dựng được tái khởi động và pháp lý dần được khơi thông.

Các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người mua… Không phủ nhận tiềm năng của thị trường nhưng ông Kiệt nhấn mạnh để khai thác tiềm năng thì cần tiềm lực của các doanh nghiệp.

Làm rõ hơn, TS Sử Ngọc Khương cho rằng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, tính thanh khoản vào sản phẩm cao cấp thấp, nguồn cung sản phẩm trung cấp – bình dân còn hạn chế. Song song đó, vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối diện là pháp lý khó khăn, cần được tháo gỡ.


Nguồn: Dân Trí (link)

Xem thêm tin mới tại:

– Tri thức đời sống

– Kiến thức gia đình