CLIP: Anh Nguyễn Văn Tam (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) chia sẻ về nghề trồng cây cảnh, kinh doanh cây cảnh, giới thiệu về cây sanh Nam Điền trong sân vườn. Thực hiện: Mai Chiến.
Sống khỏe nhờ trồng cây cảnh, kinh doanh cây cảnh
Thời trẻ, anh Nguyễn Văn Tam làm đủ thứ nghề để kiếm sống, nuôi gia đình, nhưng cái đói cứ bám theo riết. Có giai đoạn, gia đình anh Tam đầu tư tiền của, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt… nhưng chăn nuôi đều bết bát, không hiệu quả.
Hiện tại, anh Nguyễn Văn Tam (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) sở hữu hàng trăm cây cảnh độc, lạ, chủ yếu là cây sanh Nam Điền, có cây cảnh giá trị hàng tỷ đồng. Ảnh: Mai Chiến.
Năm 1990, trong một lần xuống huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), anh Tam vô tình quen biết 1 người có sở thích chơi cây cảnh nên trong đầu nảy ra ý nghĩ sưu tầm, mua cây phôi sanh Nam Điền về chế tác thành tác phẩm nhằm cung ứng ra thị trường.
Thời gian đó, anh vừa học hỏi kinh nghiệm từ lớp người đi trước, vừa tự tìm tòi, sáng tạo tác phẩm theo cách của riêng mình. Những tác phẩm đầu tay tuy chưa đạt kỹ thuật cao, thậm chí cây chưa có “hồn”, song anh vẫn coi đó là thử thách, là bước đệm để phát triển sự nghiệp.
Bằng lòng yêu nghề và tình yêu với cây cảnh, anh Tam cũng bắt đầu thành công với lĩnh vực này. Dưới bàn tay khéo léo của anh, nhiều cây cảnh tưởng chừng như vô tri, vô giác đã “biến” thành cây cảnh có giá trị kinh tế cao, được thị trường đón nhận.
Sau nhiều năm tích tiểu thành đại, đến nay nhà vườn Tam Gấm do anh Nguyễn Văn Tam làm chủ đang sở hữu hàng trăm cây sanh Nam Điền có dáng, thế đẹp mắt; gốc to, nổi cục u… với tuổi đời cây dao động từ 50 – 70 tuổi/cây. Giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
“Bên cạnh việc chế tạo, kinh doanh cây sanh Nam Điền, gia đình tôi còn cung cấp nhiều loại cây công trình, cây bóng mát, cây hoa các loại và nhiều giống cây trồng cho khách hàng có nhu cầu”, anh Tam thổ lộ.
Một góc sân vườn trưng bày cây cảnh độc lạ của gia đình anh Nguyễn Văn Tam (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.
Hiện thị trường tiêu thụ của nhà vườn Tam Gấm những năm gần đây không chỉ ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành lân cận.
Nhà vườn Tam Gấm đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trên cả nước với doanh số tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, doanh số của nhà vườn Tam Gấm ước đạt 1,5 tỷ đồng.
Theo anh Tam, thời gian qua, nhà vườn đã hợp đồng trực tiếp với lao động địa phương, tạo công ăn việc làm cho các lao động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Một tác phẩm hoàn chỉnh phải đạt tiêu chí: Cổ – kỳ – mỹ – văn
Ông chủ nhà vườn Tam Gấm tâm sự, để tạo tác được 1 tác phẩm đẹp mắt, ghi điểm với khách hàng, không phải ngày một ngày hai là hoàn thiện xong, mà đó là cả một quá trình dài, kỳ công uốn nắn, cắt tỉa, chế tạo, chăm sóc…
“Muốn tạo dựng được 1 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đòi hỏi người tạo tác ra sản phẩm cây cảnh phải có sự đam mê, lòng kiên trì và sự hiểu biết về đặc tính, sinh trưởng của các loại cây thì mới làm ra được những tác phẩm đặc sắc, có nghệ thuật.
Đồng thời, người tạo tác cây cảnh phải có năng khiếu hội họa và trí tưởng tượng cao, biết biến hóa để tạo ra các tác phẩm có hồn cốt, gọi là thổi hồn vào cây”, anh Tam chia sẻ.
Anh Tam nói thêm, các cây cảnh được tạo tác thành tác phẩm hoàn chỉnh bắt buộc phải có ý nghĩa, có tên tuổi thì tác phẩm mới thực sự có giá trị.
Muốn đạt được những yếu tố đó, người tạo tác và làm ra tác phẩm phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải trải qua hết đời này đến đời khác mới ra được một tác phẩm đẹp, độc, lạ…
Với hơn 20 năm kinh nghiệm tạo tác và kinh doanh cây cảnh, đặc biệt là dòng cây sanh Nam Điền, anh Tam cho hay, hiện nay không chỉ riêng anh mà nhiều nghệ nhân khác vẫn đang áp dụng tạo tác dáng cây theo các thế cổ do các cụ để lại. Trong đó, trọng tâm vào 4 dáng, thế như dáng trực, dáng hoành, dáng huyền, dáng siêu. Mỗi dáng cây mang 1 ý nghĩa riêng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những cây sanh Nam Điền có giá trị trong sân vườn, anh Tam bật mí thêm, 1 cây sanh Nam Điền có giá trị về kinh tế, về nghệ thuật phải đảm bảo 4 tiêu chí Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn.
“Cổ có nghĩa là năm tháng, tuổi của cây, cây càng già, càng lâu năm, cây càng có giá trị. Kỳ có nghĩa là những điểm đặc biệt trên cây như u bướu cong gù trên thân cây… Mỹ có nghĩa là đảm bảo yếu tố mỹ thuật hài hòa cân đối trên tổng thể cây, cân đối u bướu trên thân cây.
Còn Văn có nghĩa là sự gửi gắm các ý nguyện, điều mong ước của người sáng tác. Ví dụ dáng lão là cây đã sống nhiều năm tuổi, trải qua nhiều phong ba bão táp, mưa nắng khắc khổ nhưng vẫn có khí tiết mãnh liệt vươn lên trong cuộc sống; thể hiện một ý chí trường tồn về thời gian, mang đến cho con người một khát vong sống phú quý và trường thọ”, anh Tam giải thích.
Hiện tại, gia đình anh Tam có 2 cây sanh Nam Điền đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao, gồm cây sanh dáng trực và cây sanh dáng lão. Hai cây sanh này có tuổi đời gần 60 năm.
Nguồn: Dân Việt (link)